Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài - giải pháp thoát nghèo bền vững
Kỳ 1: Cuộc sống khá giả nhờ đi lao động ở nước ngoài
Thời gian qua, mỗi năm toàn tỉnh có hàng trăm lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đây không chỉ là giải pháp tạo việc làm, mà còn là cơ hội làm giàu chính đáng cho người lao động.
Nhiều hộ xây nhà mới khang trang
Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Sóc Trăng, dân tộc Khmer chiếm 52,52% dân số toàn thị xã. Thời gian qua, cùng với những nỗ lực trong việc chuyển đổi sinh kế, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn, thị xã Vĩnh Châu chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ người dân đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và học sinh, sinh viên tham gia chương trình du học sinh vừa học, vừa làm. Nhờ đó, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.
Tiếp chúng tôi ở khoảng sân cạnh 2 căn nhà vừa xây cất chưa quét vôi, bà Thạch Thị Thương, ở ấp Soài Côn, Phường 2 (thị xã Vĩnh Châu) kể lại sự đổi thay của cuộc sống gia đình từ khi 2 người con gái đi lao động ở nước ngoài. Nhiều năm về trước, gia đình bà Thương có cuộc sống khá khó khăn, vất vả. Gia đình bà có 5 người con không có việc làm ổn định, chồng bà thường xuyên đau ốm, chỉ chăm bẵm vào mấy công đất nuôi tôm. Đến năm 2019, được chính quyền địa phương và cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu tư vấn và hỗ trợ vay vốn đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, 2 đứa con gái bà tham gia đi lao động ở Đài Loan (Trung Quốc), với công việc sản xuất thiết bị y tế. Sau 3 năm ở Đài Loan (Trung Quốc), 2 người con gái gửi 400 triệu đồng về xây nhà cho bà, mỗi tháng gửi 5 triệu đồng về để chi tiêu trong gia đình.
Bà Thương phấn khởi cho biết: “2 đứa con gái tôi hết 3 năm hợp đồng lao động, mới gia hạn thêm 3 năm nữa, mức lương cơ bản mỗi tháng 20 triệu đồng. Con gái lớn của tôi có chồng cũng là công nhân ở bên đó. Các con tôi mới gửi tiền vừa xây căn nhà riêng cạnh bên nhà tôi, căn nhà xây dựng chắc cũng tốn khoảng 500 triệu đồng”.
Bà Thạch Thị Thương (bìa bên phải) ở ấp Soài Côn, Phường 2, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) kể lại sự đổi thay của cuộc sống gia đình từ khi 2 người con gái đi lao động ở nước ngoài. Ảnh: CHÍ BẢO
Còn ông Thạch Vong, em trai của bà Thương cũng có đứa con trai đi lao động ở Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ: “Thạch Đen con tôi cũng đi lao động ở nước ngoài 4 năm rồi. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn đi lao động ở nước ngoài, mỗi tháng con tôi đều gửi 10 triệu đồng về cho vợ chồng tôi. Mới 3 tháng trước, con tôi gửi 200 triệu đồng về cho sửa lại căn nhà. Nếu con tôi không đi lao động ở nước ngoài, gia đình tôi không thể thoát nổi cảnh khó khăn, nói gì đến việc xây nhà”.
Còn tại Ngã Năm (Sóc Trăng), thời gian qua, thị xã cũng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động kết nối việc làm trong và ngoài nước cho người lao động thông qua tổ chức các Phiên giao dịch việc làm, tư vấn cộng đồng đã tạo được hiệu ứng tốt để lao động địa phương mạnh dạn đăng ký tham gia, có thu nhập khá cao, giúp cho gia đình phát triển cuộc sống.
Em Trần Huỳnh Phát (26 tuổi) ở ấp Long Thành, xã Tân Long, thị xã Ngã Năm chia sẻ: “Em thấy gia đình cuộc sống quá khó khăn, học xong lớp 12, em quyết định đi lao động tại Nhật Bản. Thông qua Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Ngã Năm kết nối với công ty giới thiệu sang Nhật Bản làm việc, em được hỗ trợ học tiếng Nhật 6 tháng để sang Nhật Bản lao động, với công việc thợ hàn, mức lương 25 triệu đồng/tháng. Sau 3 năm làm việc, em hết hợp đồng về quê, dư được hơn 800 triệu đồng, em đã xây ngôi nhà mới cho gia đình, còn dư số vốn để cha mẹ làm ăn. Môi trường làm việc bên Nhật Bản rất tốt, ngày làm 8 tiếng, người lao động được quản lý, chăm sóc sức khỏe rất tốt. Sắp tới, em sẽ tiếp tục gia hạn hợp đồng thêm 3 năm nữa”.
Kết nối, tạo cơ hội cho người lao động làm việc ở nước ngoài
Đồng chí Huỳnh Văn Lơ - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Năm cho biết: “Trong thời gian qua, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Năm phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm Sóc Trăng và UBND các xã, phường tổ chức 39 phiên tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm với tổng số 4.548 người lao động tham dự. Qua đó, có 88 lao động có nhu cầu tìm hiểu, tham gia lao động ngoài nước. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động kết nối việc làm trong và ngoài nước cho người lao động thông qua tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn cộng đồng đã tạo được hiệu ứng tốt để lao động địa phương mạnh dạn đăng ký tham gia và đến nay đã có 35 lao động đi làm việc có thời hạn tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia”.
Em Trần Huỳnh Phát (26 tuổi) ở ấp Long Thành, xã Tân Long, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) sau 3 năm làm việc ở Nhật Bản dư được hơn 800 triệu đồng, em đã xây ngôi nhà mới cho gia đình. Ảnh: CHÍ BẢO
Còn ở thị xã Vĩnh Châu, để hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững cho người dân, thị xã Vĩnh Châu đưa ra giải pháp rất cụ thể, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn giúp người dân hiểu rõ hiệu quả việc tham gia lao động ở nước ngoài, hỗ trợ vay vốn để đi lao động ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng.
Đồng chí Trần Nhuận Thanh Liêm - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Trong năm 2023, trung tâm phối hợp với các công ty ký kết hợp đồng và tổ chức tư vấn, tuyên truyền trực tiếp qua Zalo, trang thông tin điện tử của trung tâm để cho người lao động có nhu cầu đăng ký tham gia lao động ngoài nước và du học tại Đài Loan (Trung Quốc). Năm 2023, thị xã Vĩnh Châu có 72 lao động tham gia ký hợp đồng lao động có thời hạn tại nước ngoài, trong đó lao động là đồng bào dân tộc thiểu số 58/72 người, chiếm 80,55% (thị trường Đài Loan (Trung Quốc) 62 lao động, Nhật Bản 5 lao động; Malaysia 2 lao động, Đức 1 lao động, Lào 1 lao động, Úc 1 lao động), đạt 160% chỉ tiêu thị xã giao và đạt 100% theo Kế hoạch số 183/KH-UBND, ngày 26/9/2023 của UBND tỉnh Sóc Trăng. Thu nhập bình quân của người lao động từ 10 - 40 triệu đồng/tháng. Nhìn chung, cuộc sống của nhiều hộ gia đình trên địa bàn có người thân đi lao động tại nước ngoài theo hợp đồng được cải thiện đáng kể.
Theo đồng chí Trần Trí Vân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, UBND thị xã Vĩnh Châu đã tổ chức triển khai thực hiện, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này với mục tiêu mỗi năm đưa khoảng 80 lao động đi làm việc ở nước ngoài. UBND thị xã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã phối hợp với UBND các xã, phường, công ty có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tuyên truyền, vận động người dân trong độ tuổi đảm bảo đủ các điều kiện đăng ký tham gia. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm ở trong và ngoài nước. Qua đó, để người dân nắm bắt thông tin, hiểu được ý nghĩa, chính sách hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tạo nguồn lao động, thực hiện chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (kể cả du học sinh vừa học, vừa làm) được UBND tỉnh giao. Tổ chức định hướng phân luồng học sinh phục vụ cho công tác tư vấn tuyển chọn người lao động, học sinh, sinh viên tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tăng thu nhập, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động và là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm nghèo bền vững tại địa phương.
CHÍ BẢO (Còn tiếp)